
Lâm Đồng đã và đang trong giai đoạn mở đường lớn để phát triển, làm đường cao tốc mở hướng cửa ngõ phía Nam, các tuyến đường kết nối khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Đây sẽ là bước đi chiến lược mở đường cho sự phát triển đột phá của Đà Lạt.
Giao thông phát triển mạnh mẽ
Mới đây, Cục 2 đường sắt Trung Quốc đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng và đề nghị được tham gia dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt – Tháp Chàm. Đây là một trong những tuyến đường sắt đặc biệt nhất thế giới, là tuyến đường sắt di sản, đường sắt du lịch khi có độ dốc trung bình 12%, chạy bằng bánh răng cưa, kết nối Đà Lạt với duyên hải miền Trung, tạo ra điểm nhấn du lịch hiếm có về đường sắt leo núi trên thế giới.
Liên quan đến khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt – Tháp Chàm, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng kinh phí 27.000 tỉ đồng vào năm 2022. Dự án cũng được Thủ tướng phê duyệt sau khi đưa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050.
Cùng với đường sắt, Lâm Đồng cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch đường hàng không. Trong thời kỳ 2021-2030, cảng hàng không quốc tế Liên Khương là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II; công suất 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Khi đó, các dòng khách du lịch quốc tế cao cấp có thể bay thẳng đến Đà Lạt, không thua kém gì các trung tâm nghỉ dưỡng lớn trên thế giới.
Giao thông kết nối Đà Lạt không chỉ được tập trung phát triển dài hạn cả đường sắt và đường hàng không mà đang được đầu tư mạnh mẽ ở đường bộ với 2 tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài gần 140 km với số vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) là 2 trong những dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, ngày 31/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1). Đây là công trình giao thông đường bộ cấp I thuộc dự án nhóm A có tổng chiều dài khoảng 73,62 km.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc cũng sẽ được hoàn thiện phê duyệt dự án trước 30/4, tiến tới khởi công cả 2 cao tốc trước quý III năm nay. Tuyến đường này sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương – Đèo Prenn và Đèo Prenn (Đà Lạt) đã được nâng cấp để rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Đà Lạt chỉ còn 3-4 tiếng, thay vì 6-7 tiếng như hiện nay.
Tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc cũng mở ra một hướng phát triển mới cho Đà Lạt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, thậm chí kết nối được với Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây thông qua hệ thống cao tốc và đường vành đai TP.HCM sắp hoàn thành.
Với hướng tiếp cận từ Nha Trang, một dự án cao tốc nối Nha Trang – Đà Lạt dài gần 81km được hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hoà đề xuất hoàn thành sớm với tổng mức đầu tư 25.058 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).