Đến năm 2025 Lâm Đồng phấn đấu sẽ có từ 1-2 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái; 1 mô hình “Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo – Di sản gắn kết”; có trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Mô hình Du lịch canh nông của Công ty TNHH Avocado Farm (Đơn Dương)
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung tạo sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan trong mô hình phát triển (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại) để tạo ra được sản phẩm du lịch du lịch canh nông có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao trên cơ sở khai thác tối đa những điều kiện thuận lợi của nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc và sự sáng tạo của công nghệ hiện đại. Cùng với đó, địa phương tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch canh nông với các chính sách đầu tư hạ tầng, sử dụng quỹ đất, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi; xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển nhân lực, bảo tồn giá trị văn hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Mô hình Du lịch Làng Nấm Đà Lạt
Khách hàng tại Honey Farmhouse – Thỏ Non Garden view hồ Đawklong Thượng ( Bảo Lâm )
Ngoài ra, địa phương còn chú trọng phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong khai thác sản phẩm du lịch canh nông, triển khai chương trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào hoạt động tiêu dùng du lịch, tổ chức đội ngũ chuyên gia về du lịch, về nông nghiệp hỗ trợ các hộ dân khai thác phát triển các sản phẩm du lịch canh nông khá hiệu quả.