Ngay trong tháng 6 này, khu vực Tây Nguyên sẽ có sân bay quốc tế đầu tiên. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh cũng như vùng thêm điều kiện phát triển du lịch.
Theo Đài Hà Nội, Giám đốc sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) – ông Vũ Phạm Nguyên An cho biết, sân bay đang hoàn tất những bước cuối cùng để được công nhận là sân bay quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO (tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế). Dự kiến đến ngày 13/6, sân bay Liên Khương sẽ chính thức nhập vào mạng lưới sân bay của thế giới và trở thành sân bay quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến của Bộ, ngành để chính thức có quyết định chuyển sân bay Liên Khương từ sân bay nội địa thành cảng hàng không quốc tế.
Dự kiến ngày 13/6, sân bay Liên Khương sẽ thành sân bay quốc tế. Ảnh: Internet
Việc sân bay Liên Khương trở thành sân bay quốc tế là điều kiện để các hãng hàng không có thể mở chuyến bay thường lệ kết nối với các nước trên thế giới. Trước đó, dù đã khai thác những chuyến bay quốc tế từ năm 2017, thế nhưng các chuyến bay này đều là thuê chuyến (charter), phải xin cấp phép cho từng chuyến với thủ tục phức tạp hơn chuyến bay thường lệ.
Sân bay Liên Khương được đưa vào mạng lưới sân bay quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương khác của Tây Nguyên. Bên cạnh đó, việc có một sân bay quốc tế sẽ giúp quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho nơi đây, ông An đánh giá.
Hiện tại, sân bay Liên Khương chỉ có 1 nhà ga hành khách dùng chung cho cả khách nội địa và quốc tế. Sân bay đã bố trí thêm các khu vực phục vụ khách từ các chuyến bay quốc tế như hải quan, công an cửa khẩu, xuất nhập cảnh.
Sân bay Liên Khương được thiết kế theo hình ảnh hoa cúc quỳ – loài hoa đặc trưng của cao nguyên Lâm Đồng. Ảnh: Internet
Theo quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2030, sân bay Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, có công suất 5 triệu hành khách/năm. Tới năm 2050, công suất được nâng lên 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm.
Thời kỳ 2021 – 2030, Cảng hàng không Liên Khương là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 2. Loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II. Loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương.
Chi Chi